Nhóm “zombie” công sở khiến doanh nghiệp thất thoát 11,7% hiệu suất làm việc của công ty. Theo khảo sát mới nhất của Anphabe trên 26.000 nhân viên đang làm việc tại các công ty tại Việt Nam, chỉ có 13,8% nhân viên thực sự gắn kết với công ty, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết.
“Zombie” công sở – Nguyên nhân làm trì trệ bộ máy vận hành
“Zombie” là tên gọi dùng để chỉ những nhân viên không gắn kết với doanh nghiệp nhưng lại không có ý định ra đi. Từ đó, những “zombie” này gián tiếp làm ảnh hưởng tới văn hóa công ty và hiệu suất làm việc của bộ máy vận hành. Họ là những người đi làm, nhưng không nỗ lực cho công việc. Trong nhóm 39,3% nhân sự thờ ơ thì có tới 2/3 vẫn ở lại công ty. Những người này đi làm nhưng không có động lực trong công việc, không có mục tiêu phấn đấu hay có thể gọi họ là những zombie công sở.
Vẫn theo Anphabe, nhân viên càng trẻ thì hội chứng zombie càng có xu hướng gia tăng, Cụ thể, tỷ lệ zombie ở Gen Y ( sinh năm 1994 đến 1998) lên tới 30,9%. Tại Việt Nam, zombie chiếm tỷ lệ 25%. Tỷ lệ này gần với mức trung bình trên thế giới là 26%. Một con số khác phản ánh tác động của những nhân viên zombie này là trong khi số ngày nghỉ bệnh trung bình chỉ có 4 ngày/năm thì trung bình số ngày họ đi làm nhưng không tập trung và không hiệu quả lên tới 57,5 ngày/năm.
Vì sao tồn tại nhiều con số đáng báo động như vậy tại các doanh nghiệp Việt Nam?
Chế độ lương thưởng thiếu hợp lý
Các yếu tố nền tưởng như tiền lương, tiền thưởng và các phúc lợi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự liên kết của nhân viên với công ty.
Một mặt, chế độ lương thưởng thấp dễ khiến nhân viên rơi vào tình trạng mất động lực và không muốn cố gắng cho công việc. Con người có xu hướng tìm kiếm những lợi ích tốt nhất cho mình. Cho nên, không khó để thấy rằng nếu mức lương hiện tại không đáp ứng đủ cho nhu cầu và đảm bảo chất lượng cuộc sống thì họ khó mà yên tâm làm việc được.
Mặt khác, phúc lợi và chế độ thưởng hiệu suất cho nhân viên không rõ ràng, khiến họ cảm thấy công sức bỏ ra không được đền đáp xứng đáng. Nhân viên có thái độ làm việc tốt, kết quả đạt được xuất sắc hơn nhưng lại không có sự khác biệt nhiều với nhân viên làm việc kết quả tương đối ổn thì từ đó, nhân viên luôn cảm thấy bất mãn, mất đi tính tiến thủ và gắn kết với công ty.
Thương hiệu nhà tuyển dụng
70% nhân viên có ý định ra đi đánh giá tiêu cực về thương hiệu nhà tuyển dụng của công ty hiện tại. Thương hiệu nhà tuyển dụng được xác định qua các hoạt động và thông điệp được truyền đạt với quy mô cả doanh nghiệp. Một thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh mẽ sẽ thu hút được nhiều tài năng hơn và giúp doanh nghiệp dẫn dầu trong thị trường việc làm cạnh tranh.
Thương hiệu nhà tuyển dụng ảnh hưởng trực tiếp đến mọi khía cạnh của doanh nghiệp, từ cách doanh nghiệp giao tiếp trực tuyến, đến nội dung tuyển dụng, những nhận xét từ nhân viên và những đặc quyền cũng như ưu đãi mà doanh nghiệp cung cấp. Điều này chứng tỏ, thương hiệu nhà tuyển dụng không chỉ quan trọng đối với thu hút nhân tài mà còn là yếu tố cần thiết để giữ chân nhân viên của mình.
Kế hoạch nghề nghiệp
Đánh giá trình độ làm việc của nhân viên là một trong những công việc nên được tiến hành định kỳ tại doanh nghiệp Việt Nam. Quy trình đánh giá nên được diễn ra công khai, mình bạch và công bằng vì kết quả đánh giá không chỉ đem lại lợi ích về mặt nhân sự cho công ty mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần làm việc của từng cá nhân trong công ty đó.
Tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đánh giá trình độ và năng lực nhân viên không được chú trọng thường xuyên. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo và thiếu tính chuyên nghiệp trong khâu quản trị nhân sự.
Làm thế nào để điều trị “zombie” công sở?
Để điều trị đặc hiệu nhóm zombie công sở, cần xét nghiệm và xác định phác đồ điều trị phù hợp. “Nếu nguyên nhân là vì công ty chưa tạo đủ điều kiện cho nhân viên, cần tìm hiểu sâu hơn nhu cầu của họ, từ đó ưu tiên cho những giải pháp nhanh chóng, hiệu quả cao. Trường hợp công ty đã hỗ trợ tốt mà nhân viên vẫn không hài lòng, cần nhìn nhận cách truyền thông để giúp họ hiểu đúng và đủ”, bà Đoàn Lê Minh Hà, Giám đốc nhân sự Kuehne + Nagel Việt Nam cho hay.
Bên cạnh đó, Phó giám đốc nhân sự Daikin Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Thủy lại cho rằng, cần phải hỗ trợ nhân viên có động lực để đẩy họ tự nỗ lực hơn. “Động lực của nhân viên tuy rất đa dạng, nhưng vẫn có thể quy về một số giải pháp chung. Ví dụ, nhân viên trẻ mới vào cần được thử thách và ghi nhận, nhân viên lớn tuổi cần sự ổn định trong công việc, còn các nhân viên lập gia đình trong vòng 5 năm đầu sẽ có nhu cầu lương tiền cao hơn”, bà Thanh Thủy nhận định.
Theo đó, Anphabe đưa ra 4 phương án chủ đạo:
Thứ nhất, nhân sự có thể trao đổi thẳng thắn với nhân viên về quyết định chia tay và đề xuất một khoản “tình phí” phù hợp để nhân viên chủ động “chia tay trong hòa bình”.
Thứ hai, nhân sự có thể làm việc với các công ty tuyển dụng để “niêm yết” nhân viên trên và giúp tìm cho họ công việc khác phù hợp hơn.
Thứ ba, có thể áp dụng phương thức “thay đổi chiến tuyến”. Tức là chuyển nhân viên zombie sang một chiến tuyến mới – vị trí mới thử thách hơn, khó khăn hơn, nhưng không thay đổi thu nhập. Cách làm thêm việc mà không thêm lương này là một cách hiệu quả khiến zombie tự nghỉ việc. Trong trường hợp tích cực, biện pháp mạnh này có thể là giải pháp hữu hiệu để nhân viên lấy lại động lực làm việc.
Cuối cùng là giải pháp “bàn tay sắt”. Khi doanh nghiệp đã quyết định chia tay nhân viên zombie, nhưng gặp trở ngại (ví dụ hợp đồng không xác định thời hạn hoặc thời hạn còn khá lâu trong khi zombie không ngừng hủy hoại môi trường làm việc chung), nhân sự cần chuẩn bị đầy đủ bằng chứng để trao đổi thẳng thắn với nhân viên. Sử dụng đơn vị chuyên nghiệp thứ ba cũng là giải pháp giúp nhân sự bớt lao tâm, khổ tứ.
Theo Báo điện tử Doanh nhân
TestCenter.vn – Nền tảng đánh giá năng lực nhân sự cung cấp giải pháp test online dành cho doanh nghiệp Việt Nam. TestCenter.vn với ngân hàng 300+ đề thi tuyển dụng nhân sự mẫu hỗ trợ quy trình đánh giá năng lực nhân sự. Tự hào đồng hành cùng +500 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu như Honda, Sailun, Petrolimex, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB),…
Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 30% chi phí so với cách tuyển dụng truyền thống khi sử dụng Testcenter. Vui lòng ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY để nhận tư vấn 1-1 về các tính năng của Nền tảng đánh giá năng lực nhân sự TestCenter